Thứ Bảy, 9 tháng 9, 2023

Chủ Nhật, 18 tháng 4, 2021

Bí Thuật Đạo Giáo Án Ma Khí Tự Dụng Pháp

 Bí Thuật Đạo Giáo Án Ma Khí Tự Dụng Pháp


Trải Sức mạnh thanh xuân của án ma khí tự dụng pháp

Một trong những bí thuật của Đạo giáo là tu luyện sức mạnh thanh xuân bằng cách tự xoa bóp, sử dụng nội khí để tăng cường năng lượng cũng như làm trẻ hóa các giác quan và các tạng phủ. Những kỹ thuật này đã có khoảng năm ngàn năm tuổi và cho đến nay vẫn là một pháp môn bí truyền, thậm chí mỗi vị thầy thường cũng chỉ biết được một phần của pháp môn. Dựa trên kết quả nghiên cứu với nhiều bậc thầy Đạo giáo, cuốn sách này sẽ tổ chức các tư liệu thành một trình tự logic. Qua việc tập luyện hàng ngày, bạn có thể cải thiện nhiều phương diện sức khỏe của mình, kể cả vóc dáng, sức mạnh nội tại và khả năng chịu đựng nói chung.


Việc trẻ hóa cơ thể bằng pháp môn Án ma khí tự dụng pháp dựa trên quá trình thanh lọc độc tố, tẩy sạch các ứ tắc trong hệ kinh mạch, tức các đường dẫn khí, của các giác quan và các tạng phủ quan trọng. Điều này được thực hiện bằng cách mang năng lượng, tức khí, đi vào những vùng đặc biệt và đi khắp cơ thể. Khi các cơ quan của cơ thể được cung cấp năng lượng, chúng sẽ trở nên khỏe mạnh hơn, đồng thời khuyến khích những thay đổi tích cực trong cả cảm xúc lẫn trí tuệ. 





Bí Thuật Đạo Giáo - Pháp Môn Đại Khảm Ly

 Bí Thuật Đạo Giáo - Pháp Môn Đại Khảm Ly


Sau khi thành thạo các thực hành luyện nội đan qua các pháp môn Tiểu Khảm Ly và Trung Khảm Ly, người học giờ đây sẵn sàng thanh lọc sắc thân và tâm thân để bước vào thực hành Đại Khảm Ly, tập hợp năng lượng vũ trụ cho việc tạo ra linh thân trên hành trình hướng tới trạng thái trường sinh.


Để khám phá thực hành cổ xưa của thuật luyện nội đan được các Đạo gia sử dụng nhằm tạo ra "Thần dược Bất tử", cuốn sách Bí thuật đạo giáo pháp môn đại khảm ly này nói về việc người tu tập thiền định hoà nhập với Nhất thể bằng chuyến du hành không gian trong thế giới tâm linh được thực hiện với Pháp môn Đại Khảm Ly.


Mặc dù mọi đan kinh của Đạo giáo đều sử dụng rất nhiều phép ẩn dụ phức tạp khiến việc tìm hiểu lý thuyết và thực hành là thực sự khó khăn với hầu hết độc giả thời nay, nhưng các chú giải học thuật trong sách có thể giúp bạn bước đầu tiếp cận truyền thống huyền học phương Đông kỳ lạ này.



Một cuốn sách hay Bó Mật của may mắn

 Câu chuyện trong Bí Mật của May Mắn hấp dẫn như thần thoại với những chân lý thực tế và vĩnh hằng của cuộc sống mang lại cho người đọc niềm tin, hy vọng, những trải nghiệm và lý giải tại sao một số người luôn gặp được may mắn trong khi những người khác lại không có. Cuốn sách đã mang đến cho độc giả một cái nhìn thú vị và sâu sắc về những điều kiện cần thiết để tạo ra - và duy trì - sự may mắn trong mỗi cuộc đời chúng ta.



Bí Mật của May Mắn kể về một câu chuyện đầy cảm động giữa hai ông già, Max và Jim, khi họ tình cờ gặp nhau ở công viên trung tâm sau 50 năm xa cách. Trong khi Max đã gặt hái được những thành công và hạnh phúc tràn đầy trong cuộc đời mình từ sự khởi đầu vô cùng khó khăn, từ hai bàn tay trắng, thì Jim lại không thể làm được điều đó, dù rằng sự khởi đầu của ông đã được cuộc sống ưu đãi rất nhiều. Bí quyết thành công và may mắn của Max nằm ở câu chuyện kỳ diệu từ người ông đã kể lại cho Max từ nhiều năm trước. Câu chuyện đó thật kỳ bí và có sắc thái gợi nhớ đến những nhà giả kim, hiền triết xa xưa, chỉ ra bí mật, cách nắm bắt các cơ hội và gặt hái thành công trong cuộc sống. Trong đoạn kết đầy bất ngờ, Good Luck tạo ra một chu trình khép kín, mang lại sự khích lệ, những hướng dẫn cách thực hiện và trọn vẹn với một câu chuyện đầy cuốn hút. Đây thực sự là một món quà đặc biệt, thú vị và đầy cảm hứng mà Alex Rovira và Fernando Trías de Bes đã mang đến cho chúng ta.


Cuốn sách sẽ là người bạn chia sẻ chân thành nhất của bạn trong những thời điểm khó khăn, thất bại hay khi đối đầu với thử thách để vươn lên tìm được niềm tin, tình yêu, ước mơ và hạnh phúc cuộc sống.



Một cuốn sách sau khi đọc xong, tôi dã hiểu hơn về sự may mắn cần phải có nhân duyên cùng sự nỗ lực của cá nhân mình.


Chủ Nhật, 27 tháng 10, 2013

Sách Nam Hải Dị Nhân - Phan Kế Bính

ĐÔI LỜI NHÂN DỊP TÁI BẢN

Nam Hải dị nhân liệt truyện[i] của Phan Kế Bính (1875 – 1921) là một bộ sưu tập nổi tiếng về các truyền tích, dã sử ở nước ta.

Bằng một lối văn kể chuyện thật sinh động, tác giả đã giúp ta ôn lại lịch sử dân tộc thông qua chuyện kể về các nhân vật lịch sử tiêu biểu. Đọc Nam Hải dị nhân, người đọc còn tìm thấy ở đây nghĩa khí hào hùng của dân tộc, những tấm gương cảm động về lòng hiếu thảo, chí phấn đấu học tập và những tình cảm tốt đẹp của con người Việt Nam thể hiện trong cung cách ứng xử cùng phong tục tập quán. Bên cạnh đó, độc giả cũng sẽ được thưởng thức những câu chuyện tình tứ không kém phần thơ mộng, với nhiều tình tiết thật ly kỳ hấp dẫn, như truyện Tiên Dong và Sử Đồng Tử, truyện Từ Thức v.v…

Chúng tôi cho in lại nguyên văn Nam Hải dị nhân, chỉ sửa lại một số chữ cho phù hợp với hệ thống chính tả hiện tại và có bỏ bớt 5 truyện do ông Lê Văn Phúc thêm vào trong bản in năm 1916 để cho sách được gọn nhẹ và dễ dùng. Đó là những truyện Bắc Bình Vương, Gia Long Đế, Tô Hiến Thành, Đào Duy Từ và Trịnh Hoài Đức. Những chú thích để trong dấu hoa thị (*) được thêm vào nhằm giúp các bạn trẻ bớt gặp trở ngại khi đọc tới những từ ngữ khó hiện đã ít dùng.

Xin trân trọng giới thiệu Nam Hải dị nhân đến đông đảo bạn đọc trong cả nước.

N.X.B. TRẺ

TỰA

Hào kiệt anh tài là khí tinh anh của một nước, cho nên nước nào cũng có, mà thời nào cũng có. Lớn thì gây dựng nên thời thế, tô điểm cho non sông; nhỏ thì lập nên công nghiệp, để danh tiếng về sau; cũng là làm gương cho người đời cả.

Nước Nam ta từ xưa đến nay, trải hơn 4.000 năm, chẳng thiếu gì người tài đức, người danh tiếng; nhưng bởi vì sự tích xa xôi mà không rõ, hoặc vì sử sách biên sót mà không tường. Chỉ còn người nào ghi vào sử, hoặc chép vào ký tái của các tư gia, thì còn có thể lưu truyền lại được.

Nhưng lại ngặt vì sách thì ít, cho nên lưu truyền ra không được rộng. Người ta nói truyện cổ tích chẳng qua chỉ một vài người được trông vào sách, rồi thì truyền khẩu cho nhau, lõm bõm người nhớ khúc này, kẻ nhớ khúc kia, mỗi người truyền đi lại sai một tý, té ra nhầm lẫn sai cả sự thực của người xưa. Vả chăng mình là người nước Nam, mà sự tích các bậc danh giá trong nước Nam mình không biết, chẳng hóa ra kiến thức của mình kém lắm dư?

Vì vậy chúng tôi kê cứu trong chính sử và các tạp ký tìm những truyện các người có danh vọng, có sự tích lạ lùng, chia ra từng môn từng mục, cứ theo thể thức trước sau mà đặt, gọi là “Nam Hải dị nhân liệt truyện”, trước là để lưu cái sự tích của người trước, sau là để các văn nhân tài tử xem cho biết anh tài nước mình, thì chẳng những là giúp được khi vui cười, mà cũng có thể tư ích trí khôn được cho người ta nữa.

Còn như những sự quái lạ, là lời tục truyền để lại, thì chúng tôi cũng theo mà chép vào đây, hoặc có, hoặc không, tùy người xem nên lấy nghĩa lý mà đoán, chớ cũng không dám chắc là có những việc ấy cả.

Ngày 27 tháng sáu năm Nhâm Tý, niên hiệu Duy Tân thứ Sáu (le 9 Avril 1912).


PHAN KẾ BÍNH cẩn tựa
LÊ VĂN PHÚC hiệu chính
Tác phẩm: Nam Hải dị nhân
Tác giả: Phan Kế Bính
Tủ sách: Lịch sử - Địa lý
Nhà xuất bản Trẻ, 1988
Khổ sách: 13 x 19 cm
Số trang: 184 trang

MỤC LỤC


ĐÔI LỜI NHÂN DỊP TÁI BẢN
TỰA

CHƯƠNG THỨ I: CÁC BẬC ĐẠI ANH KIỆT


    TRƯNG VƯƠNG
    BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG
    ĐINH TIÊN HOÀNG
    LÝ THÁI TỔ
    LÊ THÁI TỔ


CHƯƠNG THỨ II: CÁC BẬC DANH THẦN



    LÝ THƯỜNG KIỆT
    HƯNG ĐẠO ĐẠI VƯƠNG
    NGUYỄN TRÃI
    TRỊNH KIỂM
    LƯƠNG HỮU KHÁNH
    PHẠM ĐÌNH TRỌNG


CHƯƠNG THỨ III: CÁC BẬC DANH HIỀN


    MẠC ĐĨNH CHI
    CHU VĂN AN
    NGUYỄN BỈNH KHIÊM
    ĐẶNG ĐÌNH TƯỚNG


CHƯƠNG THỨ IV: CÁC BẬC VĂN TÀI


    NGUYỄN HIỀN
    LƯƠNG THẾ VINH
    VŨ CÔNG DUỆ
    GIÁP HẢI
    PHẠM TRẤN, ĐỖ UÔNG
    LÊ NHƯ HỔ
    PHÙNG KHẮC KHOAN
    LÊ QUÍ ĐÔN


CHƯƠNG THỨ V: CÁC BẬC MÃNH TƯỚNG


    LÊ PHỤNG HIỂU
    ĐOÀN THƯỢNG
    PHẠM NGŨ LÃO
    NGUYỄN XÍ
    PHẠM TỬ NGHI
    ĐINH VĂN TẢ
    VÕ TÁNH
    NGUYỄN VĂN THÀNH
    LÊ VĂN DUYỆT


CHƯƠNG THỨ VI: CÁC VỊ THẦN LINH ỨNG


    SỬ ĐỒNG TỬ
    PHÙ ĐỔNG THIÊN VƯƠNG
    TẢN VIÊN SƠN THẦN
    LÝ ÔNG TRỌNG
    TÔ LỊCH GIANG
    THẦN BẠCH MÃ
    THẦN SÓC THIÊN VƯƠNG
    LIỄU HẠNH CÔNG CHÚA


CHƯƠNG THỨ VII: CÁC VỊ TIÊN TÍCH


    TỪ THỨC
    TÚ UYÊN
    PHẠM VIÊN
    TỪ ĐẠO HẠNH
    NGUYỄN MINH KHÔNG
    TRẦN LỘC


CHƯƠNG THỨ VIII: CÁC NGƯỜI CÓ DANH TIẾNG


    NGÔ SOẠN
    NHỊ KHANH
    TẢ AO
    NGUYỄN THỊ ĐIỂM


CHƯƠNG THỨ I: CÁC BẬC ĐẠI ANH KIỆT


TRƯNG VƯƠNG



Xưa về thời nội thuộc nhà Đông Hán, ở huyện Mê Linh, đất Phong Châu (tức huyện An Lãng, tỉnh Phúc Yên bây giờ), có quan Lạc tướng họ Hùng sinh được hai người con gái, chị tên là Trắc, em tên là Nhị; hai chị em vốn có tiếng anh hùng.
 
Chị lấy chồng tên là Thi Sách, về dòng dõi vua Hùng Vương, làm quan châu ở bộ Chu Diên (bây giờ là phủ Vĩnh Tường, tỉnh Vĩnh Yên).

Quan Thái thú bấy giờ tên là Tô Định, tính tham tàn hay hại người, thấy Thi Sách lấy được bà ấy, sợ về sau có mưu phản gì chăng, mới kéo binh vây thành Chu Diên, giết mất Thi Sách.

Bà ấy tức giận lắm, cùng với em là Nhị chiêu binh tập mã, để đánh bào thù chồng. Các hào kiệt trong nước ai cũng có bụng oán Tô Định, tranh nhau kéo đến theo bà ấy; không bao lâu được hơn 10 vạn quân, bà ấy mới đem quân đến đánh Tô Định. Tô Định chống giữ không nổi, phải chạy ra bể Nam Hải rồi lẻn về Tàu. Bà ấy thừa thế đánh tràn, hạ được 56 thành ở xứ Lĩnh Nam (thuộc hạt Quảng Đông, Quảng Tây, nước Tàu); mới đổi là họ Trưng, tự lập lên làm vua, gọi là Trưng Vương, bấy giờ là năm Canh Tý niên hiệu Kiến Võ thứ 16 đời vua Quang Vũ nhà Hán (sau Thiên Chúa 40 năm).

Bà Trưng Vương làm vua được 3 năm, vua Quang Vũ sai quan Phục Ba tướng quân là Mã Viện đem binh sang đánh. Bà Trưng Vương đem quân chống nhau với quân Tàu ở hồ Lãng Bạc (tức hồ Tây, Hà Nội). Mã Viện tài kiêm văn võ, mà lại khéo dùng binh, đánh nhau mấy trận thì quân của bà Trưng Vương cùng thua cả, mới lui về giữ Cấm Khê (bây giờ thuộc phủ Vĩnh Tường, tỉnh Sơn Tây). Bà ấy nghĩ mình là quân ô hợp, không thể đương được với quân Mã Viện, mà hàng thì bà ấy cũng không chịu hàng. Sau mới rút quân về đến xã Hát Môn, huyện Phúc Lộc (tức là huyện Phúc Thọ, thuộc Sơn Tây), thì bà ấy bức chí nhảy xuống sông Hát giang tự tận.

Em là Trưng Nhị thấy chị đã liều mình xuống sông, cũng liều mình xuống theo chị nốt.

Than ôi! Một đôi nữ anh hùng nước Nam, tuy vì tài liễu yếu đào thơ, không làm được công nghiệp oanh oanh liệt liệt; nhưng biết giận kẻ tàn ác, khởi binh đánh đuổi đi, cũng lừng lẫy được một thời mà lưu danh thiên cổ, gây dựng nền độc lập cho đời sau. Khá khen thay! Khá khen thay!

Từ lúc hai bà ấy xuống sông, rồi hóa ra hai người bằng đá, nổi lênh đênh trên mặt nước trôi đi. Các làng quanh sông thấy vậy, tranh nhau ra khấn để vớt về thờ, nhưng chỉ cho làng Đồng Nhân huyện Thanh Trì (bây giờ thuộc về tỉnh Hà Đông) vớt được, mới lập đền thờ ở bãi làng ấy. Dân xã Hát Môn thấy sự thiêng làm vậy, cũng lập đến thờ vọng ở bên sông.

Đến đời vua Anh Tôn nhà Lý, chỗ bãi Đồng Nhân lở gần đến miếu thờ. Vua sai làng Hưng Viên bên trong đê, ra đền rước tượng hai bà ấy vào, rồi vua ban tiền bạc cho dân lập miếu mà thờ, phong sắc là “Trinh linh chi phu nhân”. Đền ấy bây giờ vẫn còn, tục gọi là đền Hai Bà.

Đến đời nhà Trần, lại phong thêm tám chữ: “Uy liệt chế thắng thuần trinh bảo thuận”.

Đến bây giờ vẫn còn anh linh lắm.
BỐ CÁI ĐẠI VƯƠNG



Về thời nội thuộc nhà Đường ở quận Đường Lâm (bây giờ là làng Cam Lâm thuộc huyện Phúc Thọ, Sơn Tây), có ông Phùng Hưng, nguyên đời đời được tập phong làm Tù trưởng châu ấy (tức là quan lang).

Nhà ông Phùng Hưng giầu có quyền hành nhất vùng ấy, lại có sức khỏe lạ thường, có thể đấm chết hổ, đẩy ngã trâu. Em tên là Phùng Hãi, cũng có sức khỏe đội nổi nghìn cân, đi hơn 10 dặm. Các người rợ đâu đâu cũng phục nhà ông ấy.

Trong năm Trinh Nguyên nhà Đường (791), nước Nam có đám loạn quân khởi biến. Hai anh em ông Phùng Hưng nhân dịp ấy, mới đem quân đi dẹp loạn các nơi lân ấp, đi đến đâu dẹp tan đến đấy.

Ông ấy đắc chí rồi, đổi tên gọi là Cự Lão, tự xưng là Đô quân. Em thì đổi tên là Cự Lực, tự xưng là Đô bảo. Nhân dùng mẹo của bộ tướng tên là Đỗ Anh Luân, đem quân tràn ra các châu quận, người theo về ngày càng nhiều, có ý muốn đến phá phủ Đô hộ.

Quan Đô hộ bấy giờ là Cao Chính Bình, đem quân đi đánh bị thua, rồi lo lắng thành bệnh mà chết. Ông Phùng Hưng chiếm giữ phủ thành, tự coi việc Đô hộ, được 7 năm thì mất.

Chúng muốn lập em là Hãi lên nối ngôi, nhưng trong bọn bầy tôi có người đầu mục tên là Bồ Phá Lặc, có sức khỏe đạp đổ núi, nhắc nổi vạc, người ấy nhất định không nghe, mới lập con ông Hưng tên là An lên nối nghiệp, mà đem quân ra cự nhau với Phùng Hãi. Hãi chịu thua. Bồ Phá Lặc bắt đầy ra ở đỗng Chu Nhan.

An được lập rồi, tôn vua cha gọi là Bố Cái đại vương (tục bấy giờ gọi cha là Bố, gọi mẹ là Cái). Được hai năm, vua Đức Tôn nhà Đường sai Triệu Xương sang làm Đô hộ. Triệu Xương sai sứ đến dụ hàng, An chịu hàng, cơ nghiệp họ Phùng mới đổ.

Khi trước ông Phùng Hưng mới mất, thường có hiển linh ở trong dân thôn, hiện hình ra nghìn xe, muôn ngựa, bay ở trên các mái nhà, cùng là trên ngọn cây cổ thụ, trông tựa hồ đám mây ngũ sắc. Lại có tiếng đàn sáo bát âm ở trên không, và tiếng quát tháo. Lại thấp thoáng trông thấy cả cờ, tàn, võng, lọng. Phàm trong làng có việc gì mừng hay sợ, tất báo mộng trước cho các người hào trưởng. Dân gian thấy lắm sự hiển linh, mới lập miếu ở mé tây phủ Đô hộ để thờ. Dân có việc cầu đảo, thường ứng nghiệm lắm.

Đến thời Ngô chủ Quyền, có giặc Bắc sang xâm. Ngô chủ nằm mơ thấy một ông cụ đầu bạc phơ phơ, áo mũ tề chỉnh, tự xưng là Phùng Hưng và nói rằng: “Tôi xin lĩnh một muôn thần binh, phục sẵn ở chỗ hiểm yếu, ông nên tiến binh mà đánh giặc đi, đã có tôi giúp, không cần phải lo”. Đến lúc Ngô chủ đánh nhau với Hoằng Thao ở sông Bạch Đằng, quả nhiên nghe trên không có tiếng xe ngựa ầm ầm. Ngô chủ phá được quân Nam Hán trở về, sai sửa sang đình miếu cho hoa mỹ rồi dùng lễ thái lao đến tạ ơn.

Từ bấy giờ triều nào cũng có phong tặng, phong làm bộ “Phu hựu chương tín sùng nghĩa đại vương”.
ĐINH TIÊN HOÀNG



Tiên Hoàng họ Đinh tên là Hoàng, người ở đỗng Hoa Lư, phủ Đại Hoàng (bây giờ là phủ An Khánh, tỉnh Ninh Bình), nguyên là con quan nha tướng của Dương Đình Nghệ tên là Đinh Công Trứ.

Tục truyền ở đỗng Hoa Lư xưa có con rái cá cực to, vợ ông Công Trứ một hôm tắm ở dưới suối, bị con rái cá hiếp, về mới có mang. Khi con rái cá bị người ta bắt được ăn thịt, quẳng xương ra đường cái, thì bà ấy nhặt về mà gác lên gác bếp.

Về sau, ông Công Trứ mất rồi, bà ấy mới sinh ra Đinh Tiên Hoàng. Tiên Hoàng lớn lên, thông minh nhanh nhẹn mà tài nghề lội nước. Nhà nghèo phải nương nhờ ở với chú. Bấy giờ có một thầy địa lý Tàu sang nước ta xem đất, đi từ Hưng, Tuyên theo long mạch đến mãi phủ Đại Hoàng, trông xuống dòng sông thấy nước sâu thăm thẳm mà xoáy mạnh lắm, đồ là ở đấy tất có huyệt đế vương. Mới gọi trẻ thuê tiền cho lặn thử xuống chỗ ấy xem làm sao. Tiên Hoàng vốn tài lặn, mới nhận lời lặn xuống, thì sờ thấy có con ngựa bằng đá đứng ở dưới đáy sông, mới lên bờ bảo với người khách, người khách đưa cho nắm cỏ, bảo thử xuống dử vào mồm ngựa xem ra làm sao, ngài cầm nắm cỏ xuống dử thì con ngựa há miệng ra đớp ngay.

Ngài lại lên nói chuyện với người khách, người khách lấy tiền thưởng cho ngài rồi đi. Ngài vốn thông minh, biết ngay chỗ ấy hẳn là đại huyệt, về nói chuyện với mẹ, xem mả cha ở đâu, để đem táng vào huyệt ấy. Bà mẹ trở lên gác bếp, rồi lấy nắm xương đưa cho ngài, ngài đem ra, lại lặn xuống chỗ vực sâu ấy, cũng lấy cỏ bọc nắm xương dử vào mồm ngựa thì con ngựa cũng đớp mà nuốt đi.

Từ đấy ngài sinh ra bạo tợn, các trẻ chăn trâu bò đều sợ, bầu ngài lên làm tướng, bẻ hoa lau làm cờ, chặt tre làm khí giới, đi đánh nhau với trẻ làng khác. Đi đến đâu, các trẻ phải sợ hãi kính phục. Một bữa, hội hết trẻ các làng ở ngoài đồng, nhân có con bò của chú cho đi chăn, mổ ngay ra làm cỗ để khao các chúng. Chú ở nhà nghe tin, vác gậy ra đồng xem làm sao, thì thấy chúng đã ăn tiệc xong rồi. Chú tức giận lắm, vác gậy đuổi đánh, ngài sợ hãi, chạy đã bí đường, phải nhảy choàng xuống sông, bỗng dưng có con rồng vàng ở dưới sông hiện ra đội ngài lên, người chú thấy vậy kinh hoàng, vội vàng bỏ gậy mà lạy phục xuống đất.

Từ bấy giờ danh tiếng ngài lừng lẫy, các hào kiệt trong nước để lòng trông mong về ngài. Nhân bấy giờ về cuối đời Nam Tấn, nước Nam có 12 ông Sứ quân nổi lên, mỗi người chiếm giữ một phương, như là:

1. – Ngô Xương Xí giữ ở Bình Kiều.
2. – Kiều Công Hãn giữ ở Phong Châu (nay là Bạch Hạc, Vĩnh Yên), tự xưng là Tam chế.
3. – Nguyễn Khoan giữ phủ Tam Đái (nay là phủ Vĩnh Tường, Vĩnh Yên), tự xưng là Thái bình công.
4. – Ngô Nhật Khánh giữ châu Đường Lâm (nay là làng Cam Lâm, huyện Phú Thọ, Sơn Tây), tự xưng là Anh hiền công.
5. – Đỗ Cảnh Thạc giữ ở Tương giang (tức là Đỗ Động giang nay thuộc Thanh Oai, Hà Đông).
6. – Lý Khuê giữ ở Siêu Loại (Thuận Thành, Bắc Ninh).
7. – Nguyễn Thủ Tiệp giữ ở Tiên Du (thuộc Bắc Ninh), tự xưng là Nguyễn lịnh công.
8. – Lã Đường giữ ở Tế giang (nay là Văn giang, Bắc Ninh), tự xưng là Tá công.
9. – Nguyễn Siêu giữ Tây Phù Liệt (thuộc Thanh Trì, Hà Đông), tự xưng là Nguyễn thạch công.
10. – Kiểu Thuận giữ ở Hồi Hồ (nay là huyện Cẩm Khê, Phú Thọ), tự xưng là Kiểu linh công.
11. – Phạm Bạch Hổ giữ Đằng Châu (nay là Khoái Châu, Hưng Yên), tự xưng là Phạm phòng át.
12. – Trần Lẫm giữ ở cửa Bố Chính (nay là Kỳ Bố thuộc phủ Kiến Xương), tự xưng là Trần minh công.

Tiên Hoàng nhân dịp ấy, theo về nương nhờ với Trần minh công. Trần minh công thấy ngài là dòng dõi tướng võ, và có tài cán, mới dùng cho cai quản binh lính. Không bao lâu, Trần minh công mất, ngài thay lĩnh hết cả quân quyền, tự xưng là Đinh Bộ Lĩnh, dần dần đem quân đi dẹp các nơi, thì đi đến đâu dẹp tan đến đấy, tự xưng là Vạn Thắng Vương. Rồi lại nhất thống được hết mọi nơi mới lên ngôi Thiên tử đóng đô ở Hoa Lư, sửa sang thành quách, cung điện, đặt quốc hiệu là Đại Cồ Việt.

Khi trước thầy địa lý Tàu về lại trở sang, toan mang mả tổ táng vào thủy mã huyệt, sang đến nơi thì đã thấy ngài nổi lên hùng dũng, biết là ngài được đất ấy rồi. Người khách không sao được, muốn lập mưu để phản lại, mới vào hầu mà nói rằng:

- Ngài được ngôi đại địa ấy, cũng bởi lúc phúc nhà ngài mà trời cho đấy; nhưng có ngựa phải có kiếm thì mới tung hoành ra bốn bể, vậy ngài nên để thêm thanh kiếm lên cổ ngựa thì mới hay.

Tiên hoàng tưởng nó nói thật, mới lấy thanh gươm gác lên trên cổ ngựa, không ngờ kiếm có sát khí [ii], có kiếm thì tuy làm được lừng lẫy, nhưng không được lâu dài. Vì thế ngài ở ngôi được 11 năm thì bị Đỗ Thích giết mất, mà đến đời con là Vệ vương, thì cơ nghiệp lại về tay triều khác.  


LÝ THÁI TỔ



Thái Tổ họ Lý tên là Công Uẩn, người làng Cổ Pháp, tỉnh Bắc Ninh.  
Tục truyền đời ông thân sinh ra ngài, nhà nghèo khó, đi làm ruộng thuê ở chùa Tiêu Sơn, huyện An Phong, phải lòng một người tiểu nữ có mang [iii], nhà sư thấy thế đuổi đi chỗ khác. Hai vợ chồng mang nhau đi, đến chỗ rừng Báng, mỏi mệt ngồi nghỉ mát. Chồng khát nước, xuống chỗ giếng giữa rừng uống nước, chẳng may sẩy chân xuống giếng chết đuối. Vợ ngồi chờ lâu không thấy, đến giếng xem thì đất đã đùn lấp giếng rồi, ngồi khóc lóc một hồi, rồi vào ngủ nhờ trong chùa Ứng Tâm gần đấy.

Ông sư chùa Ứng Tâm, đêm hôm trước nằm mơ thấy ông Long thần báo mộng rằng: “Ngày mai dọn chùa cho sạch, có Hoàng đế đến”. Nhà sư tỉnh dậy, sai tiểu quét dọn sạch sẽ, chực đợi từ sáng đến chiều, chỉ thấy một người đàn bà có mang xin vào ngủ nhờ.  
Nhà sư lấy làm lạ hỏi rằng:  
- Chồng con quê quán ở đâu?

Người đàn bà kể tên họ nhà chồng, và nói lại truyện sa xuống giếng. Nhà sư cho ở nhờ ngoài cửa tam quan. Được vài tháng, có một đêm, thơm nức cả chùa, nhà sư thức dậy trông ra tam quan, thì thấy sáng rực lên. Nhà sư sai bà hộ chùa ra thăm, thì người đàn bà ấy đã sinh ra một đứa con trai. Bà hộ chùa bế đứa bé vào chùa cho nhà sư xem thì thấy hai bàn tay có bốn chữ son: “Sơn hà xã tắc”. Xem rồi, bỗng nhiên trời nổi cơn mưa to gió lớn. Đến lúc bà hộ chùa trở ra, thì người đàn bà đã chết rồi, nhà sư sai đem chôn ở đàng sau vườn.

Từ đấy, nhà sư nuôi người con trai, lên sáu tuổi đã có khí phách thông minh. Một hôm nhà sư sai mang oản lên chùa dâng cúng, thì chú nhỏ đã khoét lấy ruột oản ăn trước. Đến đêm, ông Long thần báo mộng cho nhà sư. Sáng mai, nhà sư gọi mắng chú nhỏ ấy. Chú nhỏ hỏi:  
- Ai nói với ông như thế?  

Nhà sư kể sự ông Long thần báo mộng, chú kia tức lắm, lên chùa đánh vào cổ ông Long thần ba cẳng tay, rồi viết vào sau lưng lưng bốn chữ rằng: “Lưu tam thiên lý”. Đến đêm ông Long thần lại báo mộng cho ông sư rằng: “Hoàng đế đã đuổi tôi rồi, thì ông nghỉ lại để tôi đi”. Nhà sư thức dậy sớm, vội vàng lên chùa soát xem, thì thấy sau lưng ông Long thần có mấy chữ ấy, mới bắt tiểu lấy nước vào rửa, thì rửa làm sao cũng không sạch. Nhà sư bảo chú nhỏ ấy rửa, thì chỉ nhổ ít nước bọt chùi đi sạch ngay.

Khi 8, 9 tuổi, nhà sư cho chú nhỏ ấy theo học ông sư ở chùa Tiêu Sơn tên là Vạn Hạnh. Một khi học không thuộc, phải ông thầy trói lại bắt nằm dưới đất một đêm, mới ngâm một câu thơ rằng:

“Canh khuya không dám dang chân ruỗi,  
Vì ngại non sông, xã tắc xiêu.”

Vạn Hạnh thấy có khẩu khí thiên tử, tự bấy giờ có lòng kính trọng lắm.  

Ngài lớn lên, khảng khái có chí to, nhân có công, làm quan thời vua Thiếu Đế nhà Lê. Khi vua Thiếu Đế bị giết, thì ngài nằm ôm lấy thây vua mà khóc. Vua Ngọa Triều khen là trung, nhắc lên làm Tứ tương quân chế chỉ huy sứ, thống lĩnh hết quân túc vệ.

Bấy giờ ở làng Cổ Pháp có cây gạo cổ thụ, bị sét đánh tước lần da ngoài, trong thân cây có mấy câu sấm rằng:

Thụ căn liểu liểu;
Mộc biểu thanh thanh,
Hòa đao mộc lạc,
Thập bát tử thành.
vân vân…….........

Vạn Hạnh xem câu sấm ấy, biết là điềm nhà Lê đổ mà nhà Lý sắp lên, bảo riêng với ngài rằng:
- Xem câu sấm ấy, thì chắc nhà Lý lên làm vua. Thiên hạ tuy cũng nhiều họ Lý, nhưng xem ra thì không ai bằng ngài có bụng nhân từ khoan thứ, vả lại lòng dân tin mến nhiều, thì phi ngài không ai làm nổi.

Ngài thấy nói làm vậy, sợ nói lộ truyện ra ngoài, phải giấu Vạn Hạnh ở chùa Tiêu Sơn. Đến khi vua Ngọa Triều mất, vua kế tự còn nhỏ, ngài cầm quân túc vệ trong chốn cung cấm. Có quan chi hậu là Đào Cam Mộc mưu với các quan triều, lập ngài lên làm thiên tử.

Ngài đã lên trị vì, thấy chỗ kinh đô Hoa Lư hẹp hòi lắm, mới thiên lên đóng đô ở Đại La thành, nhân có điềm rồng vàng hiện ra, mới đổi tên gọi là thành Thăng Long (tức thành Hà Nội bây giờ).

Ngài ở ngôi được 18 năm thì mất.

Xét ngôi huyệt chỗ giếng trong rừng Báng ấy, những gò ở chung quanh trông hình như cái hoa sen nở ra tám cánh, cho nên nhà Lý truyền ngôi được 8 đời, bây giờ thuộc về làng Đình Bảng, huyện Đông Ngàn.

Vì ngài sinh ra ở chùa Ứng Tâm, cho nên chùa ấy bây giờ thành tên gọi là chùa Dặn.


LÊ THÁI TỔ



Thái Tổ nhà Lê tên là Lợi, người làng Lam Sơn, xứ Thanh Hóa, có chí khí từ thuở nhỏ.

Tục truyền ông tổ tam đại nhà ngài nguyên là người làng Như Áng, một bữa đi qua Lam Sơn thấy có đàn quạ xúm xít bay, liệng trên một cái gò. Ông cụ ấy nói rằng: “Chỗ này là chỗ đất hay đây!”, mới đem nhà làm ở dưới cái gò, từ bấy giờ con cái làm hào trưởng ở xứ ấy. Được ba đời thì sinh ra ngài.

Cuối đời nhà Trần, Hồ Quý Ly cướp ngôi, nhà Minh sai bọn Trương Phụ, Mộc Thạnh sang đánh, bắt được cả hai bố con Hồ Quý Ly đem về Tàu rồi chiếm giữ lấy nước Nam, làm ra lắm sự tàn ác: Nào là bắt dân khai mỏ vàng, săn voi trắng; nào là bắt dân mò hạt trân châu. Lại cấm dân không cho nấu muối riêng. Bắt phải nộp cống hươu trắng, rùa rùa chín đuôi, vượn bạch, trăn to. Lại lắm chính sự tàn ác, thuế má nặng nề, hơn 20 năm, dân sự lấy làm khổ ải, bởi thế trộm giặc chỗ nào cũng nổi lên như ong, dân gian lại càng khốn đốn lắm.

Thái Tổ trông thấy tình hình làm vậy, có chí muốn ra dẹp loạn để yên dân.  

Người nhà Minh vốn biết ngài là hào kiệt nước Nam, muốn dụ ngài ra làm quan, ngài không thèm ra, nói rằng:
- Đại trượng phu nên giúp nước lúc nạn to, lập nên công lớn, chứ lại thèm làm đầy tớ người ta à!

Đến năm Mậu Tuất (1418), ngài nhận được thanh thần kiếm, và được bọn Nguyễn Trãi, Trần Hãn đến giúp, nhân đó, mới mộ quân khởi nghĩa chiêu dụ hào kiệt. Đánh nhau với quân nhà Minh, lắm trận gian truân, mà chí ngài vẫn không núng.

Một khi, ngài thua trận ở Côi huyện, quân sĩ tan chạy mất cả, chỉ còn độc một mình tìm đường chạy trốn. Tướng nhà Minh đem quân đuổi theo, ngài túng thế không biết làm thế nào, xảy gặp một ông lão nhà quê đang tát ruộng cấy mạ, ngài nhảy ngay xuống ruộng cầm mạ cấy đỡ cho ông ấy. Một lát quân Minh đuổi đến nơi, thấy người làm ruộng, hỏi thăm rằng:

- Có thấy ai chạy qua đây không?  

Ông lão làm ruộng đã biết ý, chắc ngài là vua Lê, mới trỏ tay về phía trước mặt nói rằng:  

- Tôi vừa thấy một người chiến tướng, hớt hơ hớt hải chạy về mé trước kia kìa!

Quân nhà Minh tưởng thực, kéo cả đi về mé trước, ngài nhân thế được thoát.  

Lại một bữa quân Minh đuổi kíp quá, phải núp mình vào trong bụi rậm. Quân Minh có con chó săn cực khôn, lồng lẫy cắn vào bụi. Quân Minh cầm giáo xỉa vào, bỗng thấy một con cáo chạy ra, quân mới bỏ đám ấy mà đi, nhân thế lại được thoát.

Lại một buổi đánh nhau với Tham tướng Minh là Phùng Quí, thua trận chạy về đến núi Linh Sơn, quân hết lương ăn, phải nhịn đói mất hơn hai ngày, chỉ đào củ chuối và hái rau ăn trừ bữa.

Tuy vậy, càng thua lại càng phấn chấn, chớ không ngã lòng, vả lại được các tướng giúp đỡ, như bọn Lê Sát, Đinh Lễ, Nguyễn Xí, Lê Triện, ai nấy cùng dốc một lòng, cho nên dần dần lại chuyển thua thành được. Về sau, đánh được Trần Trí, đuổi được Phương Chính, chém được Liễu Thăng ở núi Mã An, bắt sống được bọn Thôi Tụ, Hoàng Phúc, trong mười năm trời quét sạch bờ cõi, bấy giờ ngài mới lên ngôi Hoàng đế.

Khi ngài thành công rồi, một bữa ngự thuyền rồng chơi trong hồ Tả Vọng, bỗng thấy một con rùa to bơi trên mặt nước, ngài cầm thanh thần kiếm chỉ xuống, không ngờ bị con rùa ấy đớp lấy rồi lặn mất, bởi thế đổi tên hồ ấy là hồ Hoàn Kiếm, nghĩa là trả gươm của trời.  

Ngài đem lại nước Nam, làm nên công nghiệp hiển hách, truyền đời ngót 400 năm trời, thực là một vị đại anh hùng đệ nhất nước Nam.



CHƯƠNG THỨ II: CÁC BẬC DANH THẦN


LÝ THƯỜNG KIỆT



Thường Kiệt tự là Hi Liệt, người làng Thái Hòa huyện Thọ Xương (tức là thành phố Hà Nội bây giờ), có tài kiêm cả văn võ. Khởi thân làm Thái giám. Đến đời vua Nhân Tôn nhà Lý, làm lên đến chức Thái úy. Trong năm Thái Ninh, nước Chiêm Thành đến quấy nhiễu xứ Nghệ An, vua sai Thường Kiệt cầm quân đi đánh, Thường Kiệt đánh đuổi về mãi nước Chiêm, lấy được châu Bố Chính, châu Địa Lỵ và châu Ma Linh, mới sai vẽ địa đồ ba châu ấy, đổi châu Địa Lỵ làm phủ Tân Bình, châu Ma Linh làm châu Minh Linh (tức là tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị bây giờ), chiêu mộ dân nghèo cho sang ở đấy khai khẩn.

Đến năm Thái Ninh thứ tư, vua Thần Tôn nhà Tống sau Thẩm Khởi, Lưu Lộng ra coi Quí Châu, có ý muốn dòm nom nước Nam. Vua Nhân Tôn sai Thường Kiệt đem quân đi cự quân Tống, Thường Kiệt đánh tràn sang nước Tàu, hạ được châu Khâm, châu Liêm, và vây hãm châu Ung, giết hại quân nhà Tống hơn 10 vạn người.

Năm sau, vua Tống sai Quách Quì làm Chiêu thảo sứ, đem 9 tướng chia đường đi sang hội với nước Chiêm Thành, nước Chân Lạp, để quấy nhiễu nước Nam. Vua lại sai Thường Kiệt đi đánh, đánh trận nào được trận ấy, quân nhà Tống chết hơn nghìn người, phải bỏ mà về.

Khi ấy, Lý Giác khởi loạn ở xứ Nghệ. Giác có yêu thuật, làm cho cỏ cây biến thành binh mã, quan quân đánh mãi không phá được. Thường Kiệt bấy giờ đã ngoài 70 tuổi, tình nguyện xin đi đánh, thì mới dẹp tan được đám ấy.

Nhân có những công to ấy, được tiến tước phong làm đại vương. Về sau mất được phong làm thượng đẳng phúc thần.


NGHE SÁCH NÓI


Thứ Tư, 7 tháng 8, 2013

Dám thất bại

 Dám thất bại là gì?


Dám thất bại có đồng nghĩa với dám mạo hiểm không?

Chắc là không. Tôi chưa đọc sách "Dám thất bại" đó, nhưng tôi nghĩ:

Có ba cái cần quan tâm khi quyết định một việc: Đó là tỉ lệ thành công, tị lệ thất bại, và rủi ro bất ngờ.

Dám mạo hiểm là tính toán được 50% chiến thắng - 50% thất bại, mà vẫn tiếp tục tiến tới. Ngược lại, chỉ làm khi thấy 80-90% thắng lợi gọi là thận trọng.

Mạo hiểm khác liều lĩnh ở chỗ cân nhắc kỹ càng tỉ lệ % đó trước khi xông vào, hạn chế rủi ro càng thấp càng tốt, thậm chí đoán được % rủi ro mà trừ hao. Liều lĩnh là không để ý tới rủi ro, cứ thấy % thành công kha khá là làm.

Dám thất bại là biết sẽ thất bại, nhưng vẫn tiếp tục thực hiện, với mục đích nghiên cứu thất bại, rút ra kinh nghiệm. Con đường đi tới thì quanh co, nhiều khi phải đi tới khúc quẹo cùi chỏ này mới thấy được hướng đi sắp tới. Nếu không dám đi đến đó thì sao nhìn thấy đường đi tiếp. Nếu như đứng từ xa mà đoán, chưa chắc đã đoán đúng, tỉ lệ % đoán sai sẽ cao. Ở chỗ này, dám thất bại tức là đã cân nhắc ra giá trị của bài học, so với những thiệt hại có thể xảy ra. Thất bại là mẹ thành công, từ thất bại này ta học được kinh nghiệm cho thành công sau đó. Nếu không dám thử thì không học được kinh nghiệm xương máu để đi tiếp được.

Dám thất bại khác liều lĩnh, dám thất bại không phải là thí hết mọi thứ nhằm tìm đến thất bại mong rút ra kinh nghiệm.

Thất bại mang đến thiệt hại, nhưng cũng có mặt tốt là mang tới kinh nghiệm. Hiểu được và biết cân nhắc cái nào nhiều hơn, có ích hơn để sử dụng nó, không trốn tránh chính là mục đích của "Dám thất bại". Con dao dù làm đứt tay, nhưng nó là một công cụ hữu dụng trong tay người biết dùng nó. Thất bại cũng vậy.

Cuốn cách đọc rất hay dám thất bại


Dám thất bại - quyển sách của sự thành công
Chúng ta thường nghe cũng như đọc nhiều về gương thành công, về những vĩ nhân. Chúng ta thường không thích nói về thất bại, như thể chúng ta đã được lập trình để tránh thất bại... Lẽ nào thất bại chẳng có chút giá trị nào sao?
Quyển sách này đề cập đến một mặt khác của thành công. Đó là một phương diện chúng ta cần thật sự học hỏi. Đối với những ai đã từng cố gắng và đã từng thất bại, quyển sách này đứng về phía bạn.
Dám thất bại, bạn sẽ thành công sau này...
So với những người thất bại, những người thành công thật sự đã thất bại nhiều lần hơn, chỉ đơn giản là vì họ đã cố gắng nhiều lần hơn!




Mục lục:

Chương 1: Thời thơ ấu

Chương 2: Những ngày ở trung học

Chương 3: Và công ty của chúng tôi được sáng lập

Chương 4: Trở lại làm công cho người khác

Chương 5:Thất bại

Chương 6: Giá trị của thất bại

Chương 7: Nỗi sợ hãi của thất bại

Chương 8: Thất bại trong các quan hệ tình cảm

Chương 9: Các hậu quả của sự thất bại trong xã hội chúng ta

Chương 10: Nỗi sợ hãi không kiếm được việc làm

Chương 11: Nỗi sợ mình quá già để thành công

Chương 12: Sợ không đạt kết quả

Chương 13: Các đau đớn, rắc rối, khó khăn và đau khổ

Chương 14: Làm gì để đối mặt với thất bại?

Chương 15: Khi tất cả đều thất bại

Chương 16: Bạn sẽ làm gì nếu bạn không thể thất bại?



Thứ Hai, 15 tháng 7, 2013

Cách sống - Kazuo

Để sống tốt, đúng nghĩa là một con người với phong thái trầm tĩnh và nhân cách vĩ đại, mỗi người phải đối diện với rất nhiều 'thách thức nội tâm'.

Tên sách: Cách sống
Tác giả: Inamori Kazuo
Thaihabooks và NXB Thời Đại

“Từ bình thường trở nên phi thường” - dòng chữ được in ngay trên bìa quyển sách chừng như có một "ma lực" mãnh liệt khiến người đọc không thể không đọc tiếp những chương sách bên trong.

Tác giả Inamori Kazuo cũng không ngần ngại bày tỏ lý do vì sao ông chọn "Cách sống" làm tên sách: "Nếu bạn hỏi tôi lý do tại sao tôi thành công thì có lẽ duy nhất một điều đó là cách sống. Mặc dù có thể trong con người tôi vẫn thiếu tài năng nào đó nhưng tôi luôn có một định hướng là tìm kiếm giá trị nhân văn”.

Inamori Kazuo là ai?

Bìa cuốn sách: Cách sống


Inamori Kazuo không phải là tên của một triệu phú, một nghệ sĩ hay một nhà văn với những tác phẩm đình đám khắp thế giới. Ông là một nhà kinh tế nổi tiếng với những thành tựu, cống hiến đầy ý nghĩa của xứ sở hoa anh đào. Ông là người Nhật Bản đầu tiên nhận được Giải thưởng lòng bác ái của Quỹ Carnegie (Mỹ).

Có nhiều thể loại sách kỹ năng sống được chuyển ngữ, của nhiều tác giả nổi tiếng thế giới, nhưng Cách sống vẫn có một sức thuyết phục rất lớn, được ví như “một cây gậy đập vào dòng chảy xiết của thời đại u mê”.

"Tại sao tình trạng u ám bế tắc đó bao trùm lên xã hội? Đó phải chăng là con người đánh mất phương hướng cuộc đời mình, không nhìn thấy giá trị cũng như ý nghĩa cuộc sống? Điều cần thiết trong thời đại như vậy là chúng ta phải đặt câu hỏi rất căn bản: Con người sống để làm gì?" – câu hỏi này gióng lên trong chúng ta một thao thức thời đại. Có lẽ không riêng cho xã hội nào mà đó là câu hỏi chung cho một thế hệ đang đi ngang qua quỹ đạo thời gian với nhiều mất mát xô nghiêng, những giá trị sống lẫn lộn. Cống hiến hay hưởng thụ, sống lý tưởng hay hời hợt – con người buộc phải nhìn nhận lại hành trình của chính mình trong thế giới phẳng này.

“Chúng ta đang sống trong một thời đại lo âu, đầy biến cố, tương lai bất định. Vật chất đầy đủ nhưng tinh thần không thanh thản. Ăn ngon mặc đẹp nhưng thiếu quốc pháp gia phong. Tự do cởi mở nhung đây đó vẫn tồn tại những vùng khép kín…” Chỉ vài dòng mở đầu nhưng tác giả đã khái quát được thực trạng chung, nói rất đúng về một thời đại không thể lý giải nổi “vì sao tiêu cực lại diễn ra trên phạm vi toàn xã hội”.

Một cuốn sách cuốn hút là để cho độc giả thấy hình ảnh chính mình trong đó. Inamuri Kazuo không chỉ để người đọc thấy thấp thoáng bóng dáng, suy nghĩ, trở trăn của riêng họ mà còn nói lên được vấn đề chung nhất của xã hội, của thời đại, với tính toàn cầu mà hẳn rằng cá thể nào, đất nước nào cũng có thể nhận thấy.

Sách gồm 5 chương, chia thành từng chủ đề: Biến suy nghĩ thành hiện thực, Suy nghĩ từ nguyên lý và nguyên tắc, Mài giũa nhân cách và nâng cao tâm hồn, Sống với lòng vị tha, Hòa hợp với dòng chảy của vũ trụ. Mỗi chương được chia thành nhiều chủ đề nhỏ, như một kim chỉ nam cho cách sống.

Có thể thấy tiềm ẩn trong tựa đề của từng phần đã là những thông điệp quý giá cho những ai muốn tìm thấy ý nghĩa tích cực của những điều răn dạy không hề giáo điều: “Không bỏ cuộc, làm đến cùng sẽ thành công, Ôm ấp hoài bão lớn, cuộc đời sẽ trở nên phi thường, Làm đến cùng mới có ý nghĩa, chỉ hiểu biết không thôi là chưa đủ, Sống hết mình cho khoảnh khắc hiện tại, Gọt giũa tâm hồn bằng trí tuệ và lương tâm…”.

Trong thời buổi sách kỹ năng sống lên ngôi, có quá nhiều đầu sách dạy làm người đến mức không ít người nghĩ rằng “nói thì dễ, làm mới khó”, nhưng giá trị của câu chữ chính là sự ngấm sâu, từng ngày nuôi dưỡng tâm hồn và từng bước “hoạch định” suy nghĩ. Có những đổi thay không hữu hình, những “cuộc vận động” của tư duy mà chúng ta không thể nhìn thấy trong một sớm một chiều. Cách sống mang giá trị tiềm tàng, vừa mang tầm khái quá thực trạng xã hội, nói thẳng vào những vấn đề chung nhất của xã hội và gieo mầm cho những bước chuyển đổi, là chiếc chìa khóa mở lối về “đạo làm người, học cách sống tri túc”.

Chỉ với một khái niệm yêu thương thôi, muốn gìn giữ, con người đã phải biết bảo vệ những giá trị vệ tinh xung quanh mình: niềm tin, sự kiên nhẫn, lòng vị tha, tôn trọng, thấu hiểu và cảm thông… Vậy thì, để sống tốt, đúng nghĩa là một con người với phong thái trầm tĩnh và nhân cách vĩ đại, thì mỗi người phải đối diện với rất nhiều “thách thức nội tâm”.
Không phải ngẫu nhiên mà Cách sống đã được chuyển ngữ sang 8 thứ tiếng, bán được trên 700.000 bản chỉ sau thời gian ngắn ra mắt và được đánh giá là tác phẩm có ảnh hưởng rất lớn, được cả thế giới chú ý hiện nay.

Hẳn nhiên, một cuốn sách không thể thay đổi số phận, nhưng đây sẽ là “một cuốn sách đọc, để có thể đạt được giấc mơ lớn lao. Để trải nghiệm một cuộc đời thú vị”.

Tôi tin rằng, một khi đã đọc Cách sống, mỗi người ít nhất sẽ tìm thấy được một chân trời cho riêng mình.